Dương Quang là một xã nằm phía Tây Bắc của thành phố Bắc Kạn, gồm có 09 thôn bao gồm: thôn Bản Giềng, thôn Quan Nưa, thôn Nà Rào, thôn Bản Bung, thôn Nà Dì, thôn Nà Ỏi, thôn Nà Cưởm, thôn Bản Pẻn và thôn Phặc Tràng. Xã giáp ranh với các xã Đôn Phong – Quang Thuận, huyện Bạch Thông, phường Huyền Tụng, phường Nguyễn Thị Minh Khai và phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.
Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.587,94 ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm hơn 80% (2.016 ha), rừng núi chủ yếu là đất sét, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, trong đó, đất trống, đồi núi trọc là 100ha.
Dương Quang có nhiều dãy núi nhỏ, là phần chân núi kéo dài của dãy núi Phja Bjooc, chia làm ba dãy núi chạy dọc theo chiều dài của xã. Dãy núi phía đông chung địa giới với xã Huyền Tụng lên đỉnh Khau Mồ. Dãy núi phía tây, giông núi là địa giới xã Quang Thuận có đỉnh cao 662m (đỉnh Khau Nang). Chạy suốt chiều dài giữa xã là dãy Khau Cắm – Pù Mô ra Nà Ỏi có đỉnh cao 521m (đỉnh Pù Mô). Rừng tại xã có thảm thực vật phong phú và đa dạng, giữ độ ẩm tốt, tạo mầu mỡ cho đất. Trước đây, rừng có nhiều loại cây quý hiếm như: chò chỉ, đinh, lát, dổi, de, sao…, các loại cây, sản phẩm dưới tán rừng như: trám, sấu, bứa, dọc, vàu, nứa, mây, song, củ mài (hoài sơn), nấm hương, mật ong, sa nhân và nhiều loại cây khác; các loài muông thú như: hổ, gấu, hươu, nai, lợn rừng, cày hương, trăn, rắn, vượn, khỉ, công, chim trĩ, họa mi… khá phong phú.
Đất đai tại xã bao gồm: đất sét vàng nhạt phân bố ở các thôn Phặc Tràng, Nà Ỏi, Nà Dì, Nà Cưởm, Nà Rào, có thể trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, làm gạch, ngói…, tuy nhiên, do khai thác quá mức, hiện nay, đất đã bị bạc màu do thảm thực vật che phủ bị xói mòn, cần có sự cải tạo, chăm bón khi tiến hành sản xuất. Đất pha cát phân bố ở các thôn: Bản Pẻn, Bản Bung, Quan Nưa, Bản Giềng và một phần thôn Nà Dì, ở đây thường có những khối đá lớn, nhỏ nằm rải rác dọc các khe nước và ngay cả các dãy núi. Mảnh vỡ của những khối đá này trở thành vụn cát trộn vào đất, cùng với mùn thực vật tạo nên độ xốp cho đất màu mỡ, thích hợp trồng các loại ngô, đỗ, khoai, sắn… và cây rừng sinh trưởng phát triển. Đất khai phá làm ruộng hiện có là 100,21ha, hầu hết là ruộng bậc thang, phân bố ở các khe, các thung lũng, ít có các cánh đồng rộng. Hai cánh đồng được coi là rộng nhất là cánh đồng Phặc Tràng với 13,7ha, cánh đồng Nà Ỏi với 10ha.
Hệ thống sông suối của xã phân bố đều khắp các thôn và đều chảy từ đầu đến cuối xã, bao gồm 03 con sông:
Sông Cầu chảy từ Chợ Đồn qua phía tây – nam, đoạn chảy qua địa phận xã khoảng 6km. Đây là con sông lớn nhất chảy qua các thôn Nà Rào, Nà Cưởm, Nà Ỏi, Phặc Tràng.
Sông Nặm Cắt chảy từ chân núi Phja Bjooc qua xã Đôn Phong theo hướng Đông Nam chảy qua các thôn Bản Bung, Bản Pẻn, Nà Ỏi, Phặc Tràng, hợp lưu sông Cầu ở cuối xã ngay sát trung tâm Thành phố Bắc Kạn. Nặm Cắt – tiếng tày – là nước lạnh, do thượng nguồn sông này có nhiều cây cối rợp bóng và vô số khối đá lớn nhỏ nằm giữa lòng sông, có nơi nước chui qua ngầm khe đá, có nơi độ dốc cao tạo nên nhiều ghềnh thác – một cảnh quan sơn thủy hùng vĩ, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại thôn Bản Bung.
Sông Đôn Phong chảy từ xã Đôn Phong – huyện Bạch Thông ra dọc giữa xã, qua các thôn Bản Giềng, Quan Nưa, Nà Dì nhập vào sông Cầu phía thượng lưu, cách cửa sông Năm Cắt khoảng 1km. Sông Đôn Phong và Nặm Cắt đã tạo ra hai thung lũng với các cánh đồng, bãi màu, rừng cây dọc suốt chiều dài của xã.
Các con sông có độ dốc lớn là điều kiện để phát triển thủy điện như:
Thủy điện Hợp tác xã Trung Thành tại thôn Bản Giềng xây dựng năm 1970, phục vụ nhu cầu thắp sáng và xay xát gạo cho nhân dân hai thôn (Bản Giềng và Quan Nưa), thủy điện hoạt động đến năm 1980.
Thủy điện Nặm Cắt khởi công xây dựng năm 1983 tại thôn Bản Bung, phục vụ điện cho trung tâm Thành phố Bắc Kạn hiện nay. Thủy điện hoạt động đến năm 2000 thì bị xuống cấp, không còn hoạt động được. Năm 2010, Tổng công ty dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng thủy điện Nặm Cắt trên địa bàn xã Đôn Phong, giáp ranh với xã Dương Quang (cũng lấy tên là thủy điện Nặm Cắt), đến năm 2012 hoàn thành công trình, hòa vào lưới điện quốc gia tại trạm biến áp thôn Quan Nưa, xã Dương Quang, đến nay vẫn cung cấp điện ổn định.